Trước khi chảy vào Na Hang (Tuyên Quang), dòng sông Gâm hiền hòa đã vượt qua hành trình hàng trăm cây số, từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) qua tỉnh Cao Bằng rồi gặp sông Nho Quế, chảy qua huyện Bắc Mê, Hà Giang rồi chảy về Na Hang.
Trong suốt chiều dài hơn 217 km, sông Gâm xanh mát uốn lượn theo hình cánh cung, giữa những dãy núi cao ngất tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp như một bức tranh thủy mặc, say đắm lòng người.
Từ bao đời nay, người dân Na Hang vẫn truyền cho nhau nghe câu chuyện truyền thuyết về đàn chim phượng hoàng về đây xây tổ. Ngày xưa, đây là vùng đất có cảnh non nước hữu tình, nên cả trăm con phượng hoàng tìm về đậu trên những ngọn núi. Con thứ 100 không có chỗ đậu, cả đàn lại vỗ cánh bay đi, để lại 99 ngọn núi với hình dáng đứng khác nhau, tạo thành một quần thể núi non trùng điệp.
Sau này, nhiều người vẫn ví Na Hang như là “Hạ Long cạn”. Nơi đây luôn hấp dẫn du khách bởi núi cao sông rộng, nước xanh ngăn ngắt, mây trời khoáng đạt, những cánh rừng già âm u, thanh vắng.
Ðiểm nhấn của lòng hồ Na Hang là Vài Phạ. Với người Na Hang, Vài Phạ là tên gọi một cột đá sừng sững hay cộc buộc trâu trời theo tiếng dân tộc Tày. Giữa đất trời mây núi, một cột đá sừng sững cao gần 100 m tính từ đáy sông được kiến tạo tầng tầng lớp lớp từ những phiến đá mỏng giữa 99 ngọn núi đá vôi giăng khắp mặt sông. Ít nơi nào có cảnh quan sơn thủy hữu tình làm say lòng người đến thế.
Không hổ thẹn khi dòng sông Gâm được mệnh danh như suối tóc của thiếu nữ miền sơn cước đang ngủ. Dải sông màu diệp lục vốn nằm lọt thỏm giữa những vách đá hùng vĩ, sâu hún hút là nơi cung cấp nước cho khắp các vùng lân cận. Xung quanh, núi đá lô nhô, dàn trải, lúc uy nghi, trầm mặc gối lên nhau tầng tầng, lớp lớp đến tận trời xanh.
Thỉnh thoảng giữa dòng nước xuất hiện những con thuyền nhỏ, khua mái chèo len lỏi giữa rừng đá rồi khuất dần sau làn sương núi hay những con thuyền độc mộc lặng lẽ buông câu dưới vách đá nở đầy hoa dại. Đây được coi là một khu sinh thái lý tưởng với cánh rừng nguyên sinh hàng nghìn năm tuổi, hệ thống hang động cùng với những loài động vật, thực vật quý hiếm.
Không gian đôi bờ sông Gâm còn quyến rũ với vẻ đẹp của những ngọn thác như dòng sữa len lỏi dưới tán rừng cây, đổ xuống sông, tung bọt trắng xóa trên dòng sông tĩnh lặng. Những bản làng dân tộc Mông mộc mạc, cheo leo bên thác nước khiến cảnh sắc ở đây như nhuốm một màu hoang dại, thanh vắng.
Sông Gâm còn nổi tiếng với các loài cá quý hiếm như dầm xanh, anh vũ… Cứ đến đầu mùa thu, khi khí trời dịu mát, người dân lại đi “săn” cá. Mùa săn thường bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Có những chuyến đánh bắt về, nhiều ngư dân chở lưng thuyền cá.
0 Comment