Nước chấm là một trong những yếu tố quyết định hương vị của nhiều món như bánh xèo, chả giò… tạo nên bản sắc riêng cho ẩm thực Việt Nam.

Bánh xèo

Nếu bánh xèo ở Cao Lãnh làm từ bột gạo đổ thật mỏng trong chảo nhôm, đặt trên lò củi, với nhân giá, thịt lợn và tôm, Cần Thơ có bánh xèo củ hũ dừa. Hay về An Giang, du khách sẽ gặp bánh xèo bông điên điển. Nước chấm ăn kèm với bánh xèo cũng tùy nơi mà thay đổi, nhưng phổ biến nhất vẫn luôn là nước mắm tỏi ớt, có vị mặn ngọt vừa miệng. Nhiều nơi còn cho thêm củ cải xắt sợi đã ngâm chua vào ăn chung. Ảnh: Instagram.

Chả giò

Nước chấm là thứ "phụ kiện" không thể vắng mặt khi dọn món chả giò của người miền Nam, đặc biệt là ở TP HCM. Chả giò có thể ăn chung với bún hoặc ăn riêng, và nước chấm giúp cân vị hơn.

Thông thường, nước chấm ăn với chả giò sẽ được pha từ mắm, chanh hoặc giấm, đường, tỏi, ớt. Để dậy mùi, nhiều tay bếp còn cho thêm ngò rí xắt nhuyễn hoặc hạt tiêu. Ảnh: Phong Vinh.

Cơm tấm

Hiếm có ai ăn cơm tấm với nước tương hay 1 loại nước chấm nào khác vì nếu nói không ngoa, nước mắm chính là "linh hồn" của món ăn này.

Cơm tấm có thể được tìm thấy ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Sài Gòn, món ăn có mặt ở hầu hết các con đường. Quán đông khách hay không cũng phải tùy vào chất lượng của nước chấm. Vị đậm đà của nước mắm được pha từ đường cát, bột ngọt và thứ nước mắm hảo hạng, không thể không có tỏi và ớt bằm. Ngoài ra, nhiều nơi còn cho thêm nước dừa tươi và đồ chua để thay đổi mùi vị. Ảnh: Phong Vinh.

Tham khảo thêm: tour Vũng Tàu của công ty Đất Việt Tour tại đây, hoặc liên hệ 1800 6700 để được tư vấn miễn phí về các tour du lịch bạn nhé.

Gỏi cuốn

Mắm nêm là loại nước chấm phổ biến nhất được ăn kèm với gỏi cuốn. Ngoài ra, nhiều nơi còn chấm chung với nước mắm. Đó là món ăn vặt quen thuộc vào những buổi xế chiều ở TP HCM. Vỏ cuốn là bánh tráng gạo, nhân bên phía trong thường có tôm luộc, thịt luộc, rau cuốn kèm là rau thơm và rau sống: hẹ, húng, diếp cá, xà lách, tía tô… Ảnh: Phong Vinh.

Bò phá lấu

Là 1 đặc sản của Sài Gòn, bò phá lấu thường được bán vào buổi tối, trong hẻm hoặc ở vỉa hè. Nước chấm ăn cùng có khi là mắm me, có chỗ là mắm chanh cũng có nơi dùng tắc (quất) để pha. Công thức pha có khác nhau nhưng nước chấm luôn có vị chua đặc trưng. Người ăn cay có thể cho thêm ớt xắt.

Nếu lần đầu tiên đến TP HCM, bạn nên thưởng thức một chén phá lấu nóng cùng ổ bánh mì giòn, đừng quên ăn kèm nước chấm để cảm nhận đầy đủ mùi vị của món ăn. Ảnh: Phong Vinh.

Bột chiên

Bột chiên là món ăn có xuất xứ từ người Hoa. Theo cô Ngọc, người đã bán bột chiên được 43 năm thì người Tiều thường ăn bột chiên kèm với nước tương mặn, không pha chế mà chỉ cho thêm chút giấm. Họ cũng không ăn kèm với đu đủ xắt sợi hay cà rốt ngâm chua. Nhưng ở TP HCM, bột chiên luôn được ăn kèm với nước chấm đã được pha.

Tùy từng đầu bếp mà cách pha chế, thêm thắt nguyên liệu sẽ khác nhau. Thành phần chính thường là nước tương loãng, đường và giấm. Người bán thường để đồ chua lên trên mặt bột chiên, còn nước chấm sẽ được rót đầy trong một chén nhỏ. Khi ăn bạn sẽ đổ chén nước này lên đĩa bánh, trộn đều là có thể ăn được. Ảnh: Phong Vinh.

Bánh cuốn/bánh ướt

Vị bánh cuốn hay bánh ướt sẽ thất bại nếu thiếu chén nước chấm đậm đà. Chén nước có màu vàng bắt mắt được pha từ nước mắm loại ngon, nước lọc, đường theo tỷ lệ nhất định, còn có tỏi, chanh hoặc dấm, và ớt tạo vị ngọt dịu, chua thanh, cay cay vừa miệng.

Những chiếc bánh cuốn nóng hổi được sắp lên đĩa, thêm chút rau sống, hành phi, chả quế, chả lụa, và chén nước chấm, tạo ra món ăn chắc dạ. Ảnh: Phong Vinh.

Theo vnexpress