Lần ra Phú Quốc này đi có một mình. Chọn một khách sạn tư nhân nhỏ ven biển để trọ. Ăn uống ở Phú Quốc toàn hải sản, ngon mà rẻ. Ngoài đường thỉnh thoảng thấy mấy chú chó Phú Quốc với xoáy trên lông chạy khắp nơi. Hỏi thuê xe máy để đi các hướng khác nhau của đảo.
Đi xuôi về phía Nam đảo là bến tàu An Thới đi Kiên Giang. Trên đường đi nhiều nơi thấy rừng tràm nở hoa trắng, rất thơm. Rẽ sang bãi biển Hàm Ninh, ven biển có mấy vách đá và đôi chỗ mọc rừng ngập mặn điển hình của Nam Bộ như Đước, Mấm, Vẹt. Hướng phía Nam này không có nhiều rừng nhưng các bãi cây ở đây có nhiều sim mọc. Vùng này sản xuất đặc sản rượu sim, uống ngọt, hơi lạ.
Toàn bộ Vườn quốc gia Phú Quốc nằm ở phía Bắc đảo. Đường đi khá xa. Dọc đường núi đất đỏ trồng rất nhiều hồ tiêu. Hồ tiêu Phú Quốc thơm có tiếng, hơn cả hồ tiêu Tây Nguyên. Thời tiết đảo mưa nắng thay đổi rất nhanh. Dọc đường đi sau cơn mưa nhìn rõ cầu vồng hiện lên sau núi.
Vào đến làng Bãi Thơm khá khó khăn. Mặc dù ở Phú Quốc không hiểm trở như các vùng núi trong đất liền nhưng đường ở đây xấu, mưa là bùn lầy. Nhiều chỗ là bãi cát trắng, xe máy không đi qua được. Bãi Thơm là một làng chài ven biển. Ở đây có nhiều sàn nhà ngay sát biển. Bãi biển hướng này thoải dốc, rất nông.
Vào rừng vừa rút máy ảnh ra chụp thì thấy một anh biên phòng đi xe máy đến. Anh biên phòng hỏi có phải nhà báo không và mời về đồn. Chẳng là Phú Quốc giáp ranh với Campuchia nên có một đồn biên phòng khá lớn. Hơn nữa năm đó ở Phú Quốc đang có tranh chấp đất đai, chủ tịch đảo bị kỷ luật. Vì thế chụp ảnh ở đây lập tức bị nghi ngờ.
Sau một hồi phân giải với anh biên phòng, giơ giấy giới thiệu của công ty giống ra, cuối cùng được cho đi. Anh biên phòng cứ rủ về đồn uống rượu, ăn hải sản. Nhưng từ đây về đồn cách hơn chục cây số, đường xấu. Nếu vào thì hôm sau may ra mới ra được.
Trèo dãy Hàm Ninh trong Vườn quốc gia nhưng không tìm thấy cây lá kim hay phong lan nào. Nghe nói vùng này có trầm hương nhưng cũng không thấy cây nào.
Hôm sau đi ra suối Đá Bàn chơi. Đi xe máy vào đến đập của hồ thủy lợi Dương Đông. Hồ này bao xung quanh là núi thấp, nước hồ rất trong. Gặp hai đứa trẻ đi trên đường, dừng lại hỏi thì biết hai đứa trẻ này chuyên nghề dẫn đường cho khách du lịch. Thế là đèo hai đứa đến chân núi. Xe máy vứt trong một bụi cây rồi leo lên suối.
Cảnh suối Đá Bàn tuyệt đẹp. Từng phiến đá lớn, nước chảy bên trên. Cây cối xung quanh rất sạch, không cao, chỉ khoảng 3-4 m. Xung quanh không có cỏ dại và bùn đất. Đây có lẽ là đặc điểm của hải đảo. Cho dù ở độ cao thấp nhưng hệ thực vật vẫn mang dáng dấp của vùng núi cao.
Rất ngạc nhiên là những cây Hoàng đàn giả (Dacrydium) mọc ngay ven bờ suối ở độ cao 10-20 m so với mặt biển. Nếu trong đất liền những cây này mọc không thấp hơn độ cao 1000 m. Cây ở đây cũng gọn, nhỏ, thấp, không giống trong đất liền. Rõ ràng khí hậu đảo có ảnh hưởng đặc biệt đến thực vật ở đây.
Quanh suối thấy nhiều loài lan hoa tím hồng, khá to, cùng nhóm với lan Hồ điệp. Ở độ cao thấp thế này mà cũng có phong lan cũng là lạ. Quanh cảnh ven suối thật dễ chịu. Hoa thơm, cỏ lạ, phiến đá rộng, sạch, nước chảy nhẹ.
Nhảy xuống tắm suối cùng lũ trẻ con. Hai đứa trẻ lúc đầu con hơi ngại vì thấy mình đi có một mình, mang theo nhiều đồ đi rừng. Về sau thấy mình tắm thoải mái chúng cũng vui vẻ hơn. Một đứa xem cái ống nhòm thích quá. Đến lúc về mình tặng luôn hai đứa cái ống nhòm. Hai đứa lại sợ không được trả tiền dẫn đường nên không chịu nhận. Phải nói là tặng chúng mới cầm.
Ở gần khách sạn bãi biển rất sạch, nhưng hơi dốc, sóng mạnh. Bờ cát ngắn với những cây dừa in bóng trên mặt nước xanh. Cách đó không xa ở Dương Tơ có một khu nuôi trai ngọc. Phú Quốc nổi tiếng có ngọc trai đen. Mua một bộ vòng ngọc trai đen ở đây cũng không đắt lắm.
Cảnh Phú Quốc có rừng, có biển, khí hậu hải đảo đem lại cho rừng ở đây nét độc đáo và sự đa dạng, không có được trong đất liền. Từ đó về sau hiểu rằng hải đảo cho dù núi không cao nhưng có nhiều thứ đáng để xem
0 Comment